Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung chủ động ứng dụng BIM trong đầu tư xây dựng

Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình nhằm mục đích thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn lực trong hoạt động xây dựng và quản lý công trình. Đến nay, lộ trình áp dụng BIM cũng đã từng bước được Chính phủ/Bộ Xây dựng hướng dẫn cho các dự án đầu tư xây dựng.

Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Với lộ trình áp dụng như sau: (i) Giai đoạn 1 từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. (ii) Giai đoạn 2 từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, bắt buộc áp dụng BIM đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II. Trong đó, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.

Theo Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/04/2021 về việc Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM), trình tự áp dụng BIM cho dự án thực hiện theo hình thức thiết kế – đấu thầu – thi công được thể hiện như hình sau:

Trình tự áp dụng BIM.

Qua các thông tin trên, có thể nhận thấy BIM không làm thay đổi trình tự thực hiện dự án, chức năng của các bên tham gia dự án đầu tư xây dựng, BIM hỗ trợ các quy trình của dự án cùng phối hợp trên một nền tảng dùng chung CDE (Common Data Environments) nhằm phối hợp nâng cao chất lượng dự án ở nhiều mặt khác nhau.

Lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17-3-2023.

–  Hồ sơ hoàn thành công trình, khi áp dụng mô hình BIM, tệp tin BIM cần phải thể hiện được kiến trúc tổng thể công trình, các kích thước chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình. Một số bản vẽ sơ đồ hay phương án thi công ở dạng không gian hai chiều nhằm bổ sung thông tin (nếu có) phải ở định dạng số khi nộp kèm theo tệp tin BIM.

–  Các bản vẽ chi tiết các cấu kiện từng hạng mục xây dựng và các vật tư thiết bị của dự án phải được thiết kế mô hình 3D, các bản vẽ thiết kế 2D phải truy xuất từ mô hình 3D để cung cấp cho nhà thầu thi công thực hiện, khối lượng các bộ phận công trình phải trích xuất tự động từ tệp tin BIM của mô hình thiết kế thông tin 3D.

Triển khai công tác BIM cho các dự án lưới điện truyền tải (Ảnh cắt từ clip EVN News)

Trong thời gian qua, CPMB đã triển khai BIM cho 02 dự án là: TBA 220kV Duy Xuyên (Quảng Nam) và TBA 220kV Krông Ana và đường dây đấu nối (tỉnh Đắk Lắk). Từng bước thực hiện mô hình khảo sát, thiết kế 3D trong quá trình lập hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng trong Tổng công ty, để từng bước tiến tới áp dụng mô hình BIM trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án lưới điện truyền tải theo yêu cầu của EVNNPT.

Cũng trong năm 2023, CPMB cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tham gia nhiều đợt đào tạo chung cấp Tổng công ty, cấp nội bộ, tổ chức gặp mặt trao đổi học tập, kinh nghiệm về áp dụng BIM ở các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực trong công tác BIM để làm tiền đề sẵn sàng cho các bước tiếp theo.

Dự án Trạm biến áp 220kV Krông Ana và đấu nối – Trạm biến áp 220kV đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành

(Đóng điện ngày 19/12/2021)

Việc chuẩn bị kiến thức, chuẩn bị nhân lực, chuẩn bị các thứ cần thiết để triển khai là bước rất quan trọng để làm tiền đề cho việc triển khai BIM cho các dự án lưới điện có thể đáp ứng được kế hoạch, lộ trình BIM của EVN/EVNNPT. Như chúng ta đã biết, việc ứng dụng mô hình BIM vào dự án đầu tư xây dựng là để dễ dàng trao đổi thông tin và phối hợp giữa các bên liên quan, nâng cao chất lượng thiết kế, hạn chế sai sót trong quá trình thi công từ đó giúp tối ưu hóa chi phí đầu tư dự án, đồng thời phù hợp với yêu cầu chung của Chính phủ tại Quyết định số 258/QĐ-TTg. Đây là Mô hình thông tin xây dựng, là một mô hình kỹ thuật số 3D thông minh của công trình, chứa đựng toàn bộ thông tin về công trình từ giai đoạn thiết kế đến khi vận hành. Việc đưa BIM vào công tác thiết kế, thi công, vận hành, quản lý dự án mang lại nhiều lợi ích: Tăng hiệu quả thiết kế: Phát hiện và khắc phục xung đột sớm, tối ưu hóa bố trí hệ thống; Nâng cao chất lượng thi công: Giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian và vật liệu; Quản lý dự án tốt hơn: Theo dõi tiến độ, kiểm soát chi phí hiệu quả; Tối ưu hóa vận hành và bảo trì: Dễ dàng truy xuất thông tin, lập kế hoạch bảo trì định kỳ.

Việc đầu tiên, cần hiểu rõ các giai đoạn cần triển khai BIM trong dự án điện, và xác định các nội dung cần thực hiện cho từng giai đoạn, cơ bản bao gồm 4 giai đoạn đó là: Giai đoạn thiết kế sơ bộ, giai đoạn thiết kế, giai đoạn thi công giai đoạn vận hành bảo trì. Đối với giai đoạn thiết kế sơ bộ sẽ có 4 nội dung cần thực hiện, đó là: Xác định mục tiêu BIM cho dự án; Lựa chọn phần mềm BIM phù hợp; Xây dựng thư viện đối tượng điện; Đào tạo đội ngũ. Đối với giai đoạn thiết kế sẽ có 4 nội dung công việc cần triển khai đó là: Tạo mô hình 3D chi tiết các hệ thống điện; Liên kết mô hình điện với các mô hình khác (kết cấu, kiến trúc); Phân tích va chạm, xung đột; Tính toán lượng vật liệu, chi phí. Đối với giai đoạn thi công sẽ là các công đoạn: Sử dụng mô hình BIM để lập kế hoạch thi công; Theo dõi tiến độ thi công trực quan; Quản lý vật liệu, thiết bị. Giai đoạn vận hành và bảo trì sẽ sử dụng mô hình BIM làm cơ sở dữ liệu cho vận hành và bảo trì; Quản lý tài sản, lập kế hoạch bảo dưỡng.

Việc kế tiếp cần xác định được các nội dung chính cần thực hiện khi triển khai BIM cho dự án, có 9 nội dung chính, đó là:

Thứ nhất, cần xác định mục tiêu và phạm vi áp dụng BIM, việc xác định rõ ràng những lợi ích mong muốn đạt được khi áp dụng BIM (ví dụ: giảm chi phí, nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian thi công) và sẽ quyết định các giai đoạn nào của dự án sẽ áp dụng BIM (thiết kế, thi công, vận hành).

Thứ hai, Lựa chọn phần mềm BIM phù hợp với quy mô và yêu cầu của dự án, Đảm bảo đội ngũ hiểu rõ cách sử dụng phần mềm.

Thứ ba, cần bắt tay vào xây dựng quy trình làm việc BIM, bao gồm quy trình thiết kế, quy trình phối hợp, quy trình quản ý dữ liệu để làm cơ sở thực hiện chung.

Thứ tư, cần triển khai tạo thư viện đối tượng BIM, bao gồm thư viện vật liệu, thư viện thiết bị, thư viện chi tiết…

Thứ năm, triển khai phát triển mô hình BIM, Mô hình 3D để tạo mô hình 3D chi tiết các hệ thống điện, thông tin liên kết: Liên kết các thông tin kỹ thuật vào mô hình; phân tích va chạm để phát hiện và khắc phục các xung đột trong thiết kế.

Thứ sáu, sử dụng mô hình BIM trong các giai đoạn của dự án thiết kế: Tối ưu hóa thiết kế, giảm thiểu sai sót; Thi công: Lập kế hoạch thi công, theo dõi tiến độ và Vận hành: Quản lý tài sản, lập kế hoạch bảo trì.

Thứ 7, Đào tạo tổ chức các khóa đào tạo về BIM cho toàn bộ đội ngũ, Nâng cao nhận thức tăng cường sự hiểu biết về lợi ích của BIM.

Thứ 8, tổ chức quản lý và cập nhật mô hình BIM, trong đó quản lý phiên bản: Theo dõi các thay đổi của mô hình; cập nhật thông tin: Đảm bảo thông tin trong mô hình luôn chính xác.

Thứ chín, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả, tác động của BIM đến dự án; cải tiến quy trình: Điều chỉnh quy trình làm việc để nâng cao hiệu quả.

Tiếp theo, để đảm bảo chất lượng mô hình thông tin BIM, quản lý hiệu quả các thông tin xoay quanh mô hình này, các đơn vị tham gia áp dụng BIM sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ chính: tạo lập hoặc kiểm soát chất lượng mô hình BIM, cập nhật các tài liệu, mô hình, trao đổi thông tin trên môi trường dữ liệu chung. Xác định được vai trò của từng đối tượng tham gia trong dự án, cụ thể:

– Đối với vai trò quản lý dự án (CĐT) trong từng giai đoạn. Giai đoạn tạo lập dự án là các nhiệm vụ: Lập kế hoạch kiểm tra và giám sát kết quả bay chụp từ tư vấn khảo sát (định dạng format file chuyển giao, bảng checklist kiểm tra) và Tiếp nhận và kiểm tra mô hình hiện trạng được tạo từ báo cáo khảo sát từ tư vấn khảo sát. Giai đoạn thiết kế là Xây dựng bảng yêu cầu thông tin EIR cho dự án cho giai đoạn thiết kế; Bổ sung nhiệm vụ BIM đối với vai trò TVTK (trong hồ sơ mời thầu); Kiểm tra và đánh giá kế hoạch thực hiện BIM (BEP) được trình bởi TVTK; Tổ chức và tham gia chủ trì những cuộc họp về phối hợp BIM; Lập kế hoạch kiểm tra, đảm bảo chất lượng mô hình được quy định trong BEP theo tiến độ đã thống nhất. Giai đoạn lựa chọn nhà thầu và thi công là các nhiệm vụ Bổ sung nhiệm vụ BIM đối với vai trò nhà thầu và tư vấn giám sát (trong hồ sơ mời thầu); Kiểm tra và đánh giá kế hoạch thực hiện BIM (BEP) cho giai đoạn thi công; Tổ chức và tham gia chủ trì những cuộc họp về phối hợp BIM; Lập kế hoạch kiểm tra chất lượng mô hình hoàn công được quy định trong BEP theo tiến độ đã thống nhất và Xác thực mô hình BIM hoàn công, so sánh với hình ảnh thực tế đã thi công. Giai đoạn hoàn công là các nhiệm vụ Kiểm tra mô hình hoàn công với bộ bản vẽ hoàn công của dự án; Đóng gói mô hình BIM đã hoàn thiện thông tin hình học và phi hình học, lưu trữ trong môi trường dữ liệu chung của dự án; Phối hợp cùng đơn vị thiết lập hệ thống quản lý thông tin và bảo trì tài sản chuyển giao mô hình BIM hoàn công cho đơn vị quản lý vận hành và bảo trì.

– Đối với vai trò tư vấn thiết kế là các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch thực hiện BIM (BEP) của dự án và trình duyệt bởi BQLDA ; Xây dựng thư viện phục vụ thiết lập mô hình ; Xây dựng mô hình BIM cho dự án đầy đủ cho phần trạm và đường dây theo đúng các yêu cầu đề ra trong kế hoạch thực hiện BIM (BEP) của dự án ; Cập nhật đầy đủ thông tin hình học và phi hình học của công trình ở giai đoạn thiết kế theo các yêu cầu từ EIR ; TVTK có nhiệm vụ upload các tệp tin: mô hình BIM, bản vẽ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, tài liệu của vật tư, thiết bị…vào môi trường dữ liệu chung (CDE) ; Tham gia họp phối hợp BIM với các đơn vị có liên quan. Phản hồi những ghi chú, vấn đề được gán nhiệm vụ trên CDE; Tham gia quá trình giải đáp thông tin thiết kế từ nhà thầu hay các đơn vị tham gia dự án; Xác thực thông tin trên bản vẽ và mô hình, đảm bảo bản vẽ được xuất ra từ mô hình ; Tham gia các công tác khác nếu CĐT có yêu cầu.

– Đối với vai trò nhà thầu đó là Xây dựng kế hoạch thực hiện BIM (BEP) của dự án ở giai đoạn thi công và trình duyệt bởi BQLDA; Lập bản vẽ kỹ thuật thi công chi tiết từ mô hình. Kiểm soát khối lượng thông qua mô hình ; Cập nhật đầy đủ thông tin của thiết bị trong mô hình được quy định trong BEP giai đoạn thi công ; Nhà thầu phối hợp với TVGS, TVTK để kiểm tra và xác thực mô hình BIM hoàn công ; Nhà thầu có nhiệm vụ upload các loại bản vẽ như shopdrawing, biện pháp thi công, v.v., mô hình BIM các loại tài liệu về nhật ký thi công, đệ trình, RFIs, biên bản nghiệm thu, v.v. lên CDE của chủ đầu tư ; Nhà thầu sử dụng các công cụ số hóa trong các công tác quản lý, lưu trữ, trao đổi, phê duyệt và đệ trình theo các quy trình được thiết lập trên CDE của CĐT ; Nhà thầu có nhiệm vụ lưu giữ các loại hồ sơ liên quan đến dự án trên CDE của CĐT ; Nhà thầu phối hợp với tư vấn để kiểm tra và xác thực mô hình BIM hoàn công.

– Đối với vai trò tư vấn giám sát là tiếp cận mô hình BIM trên CDE của CĐT, tham gia phản hồi mức độ chính xác của mô hình BIM hoàn công ; So sánh hình ảnh thực tế thi công với mô hình BIM ; TVGS sử dụng các công cụ số hóa trong các công tác quản lý, lưu trữ, trao đổi, phê duyệt và đệ trình theo các quy trình được thiết lập trên CDE của CĐT ; Cập nhật tiến độ dự án bằng hình ảnh định kỳ ; TVGS sử dụng công cụ số hóa việc tạo và quản lý các lỗi, an toàn lao động… trên CDE của CĐT; TVGS sử dụng công cụ số hóa biên bản kiểm tra, nghiệm thu chất lượng có trong dự án; TVGS có nhiệm vụ lập báo cáo dựa trên những thông tin được thu thập trên CDE của CĐT; Phối hợp cùng đơn vị nhà thầu, TVTK trong việc đóng gói hồ sơ hoàn công ở dạng số hóa trên môi trường dữ liệu chung của chủ đầu tư.

Thêm nữa, cần hiểu rõ cách thức trao đổi thông tin trên môi trường dữ liệu CDE đối với các bên liên quan. Việc ban hành quy trình, quy tắc phối hợp giữa các bên liên quan thực sự rất cần thiết để dự án BIM được hoàn thành theo mong muốn của các bên.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu năng lực, cơ sở hạ tầng của các bên tham gia là rất cần thiết. Trên môi trường CDE là sự phối hợp của các bên liên quan, nên mỗi bên cần phải đáp ứng các yêu cầu của CĐT. Thứ nhất đó là Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật: Môi trường dữ liệu chung đơn vị; Công cụ tạo lập mô hình thông tin; Công cụ kiểm soát chất lượng BIM; Phần cứng; Yêu cầu về an toàn thông tin. Thứ 2, là Yêu cầu kiểm soát chất lượng mô hình BIM: Kế hoạch triển khai và kiểm soát chất lượng; Các yêu cầu mô hình chuẩn; Tiêu chuẩn thông tin (tên tập tin, định dạng); Phân chia mô hình; Danh sách kiểm tra chất lượng mô hình. Thứ ba là Yêu cầu về năng lực của các bên: Năng lực của đơn vị TVTK; Năng lực của đơn vị Nhà thầu; Năng lực của đơn vị TVGS; Năng lực của ban QLDA; Năng lực của đơn vị TVTT để từ đó có được nguồn lực tốt nhất cho việc tham gia thực hiện dự án.

Phòng Thẩm định – CPMB trong công tác BIM cho các dự án lưới điện truyền tải

Tóm lại, cần xác định các vấn đề mấu chốt và trọng yếu sau đây khi triển khai BIM tại EVNNPT: Tập trung công tác đào tạo, nhận thức, nghiệp vụ cho các bộ phận chức năng tham gia triển khai dự án, công việc này EVNNPT đang giao cho NPTPMB triển khai thực hiện. Tiếp đến là triển khai công tác mua sắm bản quyền môi trường dữ liệu chung (CDE) để phục vụ áp dụng BIM, kết hợp với tư vấn đào tạo BIM trong EVNNPT, EVNNPT đang giao cho NPTS tổ chức mua sắm, đây là nội dung công việc quan trọng bởi Chủ đầu tư khi có CDE mới triển khai được các công việc liên quan.

Cần lưu ý trong quá trình triển khai cần làm rõ các yêu cầu về chức năng, chi tiết hóa các yêu cầu về mặt kỹ thuật của CDE, phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư 348/QĐ-BXD ngày 02/04/2021 và theo Tiêu chuẩn ISO 19650, đảm bảo CDE được lựa chọn phải có tính tương thích với các CDE hiện có trên thị trường hiện nay. Đánh giá lại khả năng đáp ứng của hệ thống máy chủ của EVNNPT trong trường hợp lựa chọn phương án Thuê bao theo doanh nghiệp (Trong đó cần nêu sơ đồ minh họa, kiến trúc hệ thống của các máy chủ, phần cứng, phần mềm, hệ điều hành…). Tính toán, đề xuất sơ bộ số lượng người dùng đối với các đơn vị thuộc Tổng công ty và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai các dự án áp dụng BIM, làm cơ sở chuẩn xác phương án Thuê bao theo số lượng người dùng. Chuẩn xác lại Cấu hình đề xuất cho server lưu trữ dữ liệu, đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Đảm bảo các chương trình đào tạo không chồng chéo lặp lại với các đào tạo đã triển khai trước đây, tránh lãng phí.

Có được sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, quy trình làm việc bài bản, kế hoạch rõ ràng, xác định được cụ thể các dự án cần phải áp dụng BIM và mức độ quy mô thực hiện. Chúng ta sẽ tiếp cận và giải các bài toán BIM cho các dự án lưới điện một cách hiệu quả trong toàn EVNNPT.